Siêu thị điện máy Mạnh Nguyễn


Kể từ sau khi Avatar ra mắt, 3D đã trở thành hướng đi quan trọng nhất của công nghệ điện ảnh. Tivi 3D cũng đang ra mắt với số lượng ngày một nhiều và giá cả phải chăng hơn. Bạn đã thực sự hiểu về công nghệ 3D trên TV hay chưa? Bài viết này Siêu thị điện máy Mạnh Nguyễn xin giới thiệu đến các bạn Những điều cần biết về tivi 3D.
Những điều cần biết về Tivi 3D
>>> Xem thêm: Các bước kiểm tra khi mua máy lạnh mới

Bạn có nên mua 3D TV?


Trước khi đến với bài hướng dẫn chi tiết về các sản phẩm TV 3D, hãy cùng hiểu rõ về điểm yếu lớn nhất của TV 3D hiện nay: Nội dung số! Mặc dù số lượng phim được trình chiếu dưới định dạng 3D đã tăng lên đáng kể sau khi Avatar ra mắt, nhưng có một thực tế là tại thời điểm này số lượng đĩa Blu-ray, chương trình truyền hình và game 3D vẫn còn khá hạn chế.
Cụ thể hơn, số lượng phim 3D được phát hành trên đĩa Bluray giờ mới đạt tới con số khoảng hơn 200. So với số lượng hàng nghìn đầu phim 2D được phát hành trên Blu-ray, con số này vẫn là quá nhỏ. Tương ứng với số lượng đĩa Blu-ray 3D là số lượng nội dung số định dạng 3D: Nếu một bộ phim không được phát hành dưới định dạng 3D trên Blu-ray, bạn sẽ khó có thể tìm được phiên bản MP4, MKV, hay MOV có hỗ trợ 3D của bộ phim này.
Số lượng phim định dạng 3D được phát hành trên Netflix – dịch vụ cung cấp nội dung mất phí hàng đầu hiện nay, vẫn là khá ít ỏi. Tại Việt Nam, số lượng chương trình định dạng 3D được phát sóng truyền hình hiện vẫn gần như là số 0 tròn trĩnh.


Không chỉ có vậy, với nhiều người, việc phải đeo kính khi xem phim 3D cũng có thể khiến trải nghiệm 3D tại gia trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, sự thành công của các bộ phim bom tấn như Avengers và Hobbit cho thấy, chắc chắn điện ảnh 3D sẽ trở thành tương lai của ngành công nghiệp giải trí. Cũng giống như công nghệ LCD độ phân giải cao và công nghệ LED, 3D sẽ trở thành một phần không thể thiếu của giải trí tại gia. Nếu dạo qua một vòng các siêu thị điện máy, bạn sẽ nhận ra rằng số lượng TV 3D có mặt đang ngày càng một nhiều hơn.
Quan trọng nhất, giá thành của các mẫu TV 3D dù vẫn cao hơn TV loại thường nhưng cũng đã giảm xuống rất nhiều: Tính năng 3D trở nên quen thuộc trên TV cao cấp, thay vì trên TV "siêu cấp" nằm ngoài tầm với của gần như tất cả người tiêu dùng trước đây. Cũng giống như tần số làm mới màn hình 120Hz và Smart TV (các tính năng TV thông minh: Kết nối Internet, ứng dụng...), tính năng 3D giờ đã trở thành một tính năng được các nhà sản xuất sử dụng để phân biệt giữa các sản phẩm cao cấp và các sản phẩm cấp thấp/tầm trung.
Điều này có nghĩa là gì? Kể cả nếu bạn không quá ưa thích 3D, nếu muốn mua những chiếc TV tốt nhất trên thị trường, bạn vẫn sẽ phải mua một chiếc TV 3D – bởi đơn giản là tất cả những chiếc TV tốt nhất trên thị trường đều là TV 3D. Không chỉ có vậy, bạn chắc chắn cũng sẽ đón đầu được tương lai khi mua TV 3D.


"TV 3D" là gì?
Khi chúng ta nói về một chiếc "TV 3D", chúng ta sẽ nói về "một chiếc TV độ phân giải cao có tính năng 3D". Tính năng 3D đã được trang bị trên TV LED và Plasma từ suốt năm 2010 tới nay. Tính năng này cho phép TV có thể phát được các nội dung được quay dưới định dạng 3D, miễn là bạn có cả kính để xem 3D và thiết bị nguồn phát.

TV 3D có thể phát nội dung "phẳng" (2D) hay không?
Tất cả các TV 3D đều có thể hiển thị các nội dung 2D chất lượng cao mà không gặp phải vấn đề gì cả. Thậm chí, trong tương lai gần có lẽ bạn sẽ sử dụng TV 3D để xem các nội dung 2D nhiều hơn là 3D.
Ngoài ra, chất lượng hiển thị nội dung 2D hoàn toàn không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tính năng 3D. Bạn có thể an tâm xem các bộ phim "cũ" như Pride & Prejudice hay Shawshank Redemption trên TV 3D mà không cần phải lo ngại gì đến chất lượng cả.

Độ phân giải siêu cao 4K có lẽ sẽ chủ yếu được trang bị cho các TV có tính năng 3D
Thực tế, theo CNET, nếu bạn ghét 3D vì một lý do nào đó và kiên quyết không mua TV có hỗ trợ công nghệ này, bạn sẽ bỏ lỡ các mẫu TV 2D tuyệt vời nhất trên thị trường. Vì sao? Dựa trên các đánh giá sản phẩm TV của CNET, các mẫu TV cho chất lượng hình ảnh 2D (phẳng) tuyệt vời nhất cũng thường là các sản phẩm tích hợp sẵn 3D (TV 3D) đắt tiền. Do đó, kể cả nếu bạn không bao giờ sử dụng tới tính năng 3D, bạn vẫn nên cân nhắc tới các sản phẩm TV 3D bởi chất lượng hiển thị hình ảnh 2D của chúng là hoàn toàn vượt trội.

TV 3D hoạt động như thế nào?


Màn hình hiển thị nội dung 3D sẽ phát đồng thời hai khung hình riêng biệt trên màn hình, một hình ảnh dành cho mắt trái và một hình ảnh dành cho mắt phải. Nếu bạn không sử dụng kính, 2 khung hình này sẽ bị lẫn lộn với nhau, tạo ra cảm giác mờ rất khó chịu. Khi người xem sử dụng kính 3D, 2 hình ảnh sẽ được kết hợp với nhau để tạo thành hình ảnh 3D. Thực tế, đây không phải là hình ảnh 3D "thực thụ" (hình ảnh nổi trong không gian) giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng mà chỉ là hình ảnh tạo thành từ các hiệu ứng thị giác của mắt.

Để xem nội dung 3D trên TV, bạn sẽ cần những gì?
Mặc dù các sản phẩm công nghệ sử dụng công nghệ 3D không cần kính mắt như Nintendo 3DS và một số mẫu smartphone HTC đã xuất hiện khá nhiều, sự thật là công nghệ 3D không cần kính mắt trên TV vẫn còn cách chúng ta rất xa. Hiện nay, hầu hết các mẫu TV 3D đều đòi hỏi phải có kính đi kèm, trong khi một số ít các mẫu TV có thể hiển thị 3D không cần kính luôn có giá rất đắt.


Không chỉ cần có TV hỗ trợ công nghệ 3D và kính, bạn cũng cần phải có nguồn phát 3D. Nguồn phát của bạn thường sẽ là một đầu đĩa Blu-ray, máy chơi game console (PlayStation hoặc Xbox thế hệ mới) hoặc máy vi tính, một đầu giải mã (set-top box) thông thường v...v...
Bạn cũng sẽ cần đĩa Blu-ray (hoặc phiên bản số) của bộ phim cần xem dưới định dạng 3D. Hoặc, bạn cũng có thể tham gia vào các dịch vụ phát nội dung 3D như Netflix. Một số TV hỗ trợ "chuyển" nội dung 2D thành 3D, song hiệu ứng sẽ không đẹp bằng nội dung 3D "nguyên bản", tức là các nội dung được quay dưới định dạng 3D ngay từ đầu.

Chất lượng của TV 3D so với rạp chiếu phim?


Theo CNET, từ năm 2010 đến nay, các mẫu TV 3D được phát hành ra thị trường đều có độ phân giải cao, tái tạo màu sắc trung thực. Theo trang tin công nghệ này, chất lượng hiển thị của TV 3D là hoàn toàn tương đồng với phim chiếu rạp. Sự khác biệt lớn nhất giữa TV và rạp chiếu phim 3D là kích cỡ màn hình và khoảng cách ngồi xem của bạn. Nói tóm lại, nếu bạn thích xem 3D trong rạp, có lẽ bạn sẽ rất hứng thú với phim 3D tại gia.

Có phải tất cả mọi người đều có thể xem 3D một cách thoải mái?
Không! Có khoảng 5 – 10% dân số bị chứng bệnh "mù stereo" (mù hình ảnh nổi). Họ có thể nhận biết không gian xung quanh mình một cách bình thường, song lại không thể nhận biết được chiều sâu của hiệu ứng 3D trên màn ảnh.


Với một số người, hiệu ứng 3D có thể gây mệt mỏi, nhức đầu hoặc các triệu chứng khó chịu khác, nhất là khi xem trong thời gian dài. Theo các chuyên gia mà CNET đã tham khảo, lý do xảy ra các triệu chứng này không phải do công nghệ 3D mà là do các nhà sản xuất phim. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể bị nhức đầu khi xem một bộ phim nào đó, song lại không bị nhức đầu khi xem một bộ phim khác. Nhìn chung, bạn có thể sẽ mất chút thời gian để làm quen với 3D, và trong mọi trường hợp bạn nên tạm dừng sau một khoảng thời gian nhất định, tránh xem liên tục trong thời gian dài.

3D chủ động và 3D thụ động là gì?
3D chủ động và 3D thụ động là 2 loại công nghệ được sử dụng để hiển thị hình ảnh 3D trên TV. Cả 2 công nghệ này đều tương thích với tất cả các nguồn phát: bạn không cần lo lắng rằng đầu Blu-ray của mình chỉ hỗ trợ 3D chủ động hoặc thụ động. Sự khác biệt duy nhất giữa TV 3D thụ động và TV 3D chủ động là cách hiển thị hiệu ứng 3D của chúng.
Ra mắt vào năm 2010, công nghệ 3D chủ động sử dụng kính có các màn trập tinh thể lỏng chạy bằng pin. Kính 3D chủ động sẽ liên tục đóng/mở 2 bên mắt kính. Tại một thời điểm, chỉ có 1 mắt nhìn thấy hình ảnh từ màn hình, tạo ra hiệu ứng 3D. Bởi vậy, kính 3D chủ động đòi hỏi TV phải cung cấp được ít nhất 60 khung hình/giây cho mỗi bên mắt.



Kính 3D chủ động
Công nghệ 3D thụ động ra mắt vào năm 2011 và sử dụng kính phân cực giống như các loại kính sử dụng trong rạp chiếu phim. Kính 3D thụ động sẽ lọc hình ảnh ở mỗi bên mắt, do đó mắt trái chỉ nhận biết được 1 nửa số đường pixel và mắt phải sẽ nhìn thấy nửa còn lại.

Hình ảnh nguyên bản trên TV 3D thụ động

Hình ảnh trên TV 3D thụ động, chụp qua một bên mắt kính
Các nhãn hiệu khác nhau sử dụng công nghệ 3D khác nhau
Tính đến thời điểm này, LG, Vizio và Toshiba đều sử dụng công nghệ 3D thụ động. Phần lớn các sản phẩm của Sony cũng sử dụng công nghệ 3D thụ động, trong khi Panasonic bán cả TV LCD sử dụng công nghệ 3D thụ động và TV Plasma sử dụng công nghệ 3D chủ động.
Samsung chỉ bán TV 3D chủ động. Công nghệ 3D thụ động đang ngày càng một thắng thế so với công nghệ 3D chủ động, song với thị phần áp đảo của Samsung, có lẽ công nghệ 3D chủ động sẽ tiếp tục tồn tại và phổ biến trong tương lai. Hiện nay, người đồng hương của Samsung là LG chính là thế lực chính đứng đằng sau công nghệ "đọc nền" giúp phát triển TV 3D thụ động.


Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng TV sử dụng màn hình LED (LCD) có thể sử dụng cả công nghệ 3D chủ động lẫn thụ động, song TV sử dụng màn hình Plasma chỉ có thể sử dụng công nghệ 3D chủ động.

TV 3D chủ động và thụ động có giá tương đương, song kính thụ động rẻ hơn
Lợi thế chính của TV 3D thụ động là kính rẻ hơn rất nhiều. Phần lớn các mẫu TV 3D thụ động đều được bán kèm ít nhất là 4 cặp kính. Trong khi đó, chỉ trong thời gian gần đây TV 3D chủ động mới được bán kèm kính, nhưng phần lớn chỉ là 2 cặp kính.

Khi mua ngoài, kính 3D chủ động có giá từ 20 USD (khoảng 420.000 đồng) trở lên. Trong thời gian gần đây, các loại TV có hỗ trợ chuẩn Full HD 3D có thể sử dụng tất cả các loại kính có hỗ trợ chuẩn này, song TV 3D cũ thường chỉ có thể sử dụng kính của cùng một nhà sản xuất . Ví dụ, các mẫu TV 3D của Panasonic tung ra vào năm 2011 chỉ có thể sử dụng kính của Panasonic. Một số loại kính đắt tiền hơn có thể xem được tất cả các nhãn hiệu TV 3D cũ, song giá của chúng khá đắt: khoảng 50 USD (hơn 1 triệu đồng) trở lên.

Kính 3D thụ động dễ dùng và có thể mang thiết kế thời trang
Ngược lại, kính 3D thụ động chỉ có giá từ khoảng 5 USD (hơn 100.000 đồng) đến 20 USD (khoảng 420.00 đồng). Thậm chí, nếu bạn mua từ các nhà sản xuất ít tên tuổi hoặc mua với số lượng lớn, mức giá có thể còn xuống thấp hơn nữa. Bạn có thể sử dụng tất cả các loại kính phân cực dạng này để xem TV 3D thụ động, bất kể là nhãn hiệu gì, từ kính của cùng nhà sản xuất TV cho tới các loại kính không tên tuổi hoặc kính từ rạp chiếu phim.

Kính 3D thụ động dễ dùng, dễ đeo hơn
Do không có linh kiện điện tử nào nên kính 3D thụ động nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn so với kính chủ động. Kính 3D chủ động giờ đã nhẹ hơn rất nhiều so với các thế hệ đầu tiên và do đó có thể đem đến trải nghiệm 3D đủ thoải mái cho người dùng. Song, so với kính 3D thụ động, chúng vẫn có nhiều điểm yếu.

Kính 3D chủ động xấu, nặng và cần dùng pin
>>> Có thể bạn quan tâm: Samsung Smart tivi
Trước hết, kính 3D thụ động có rất nhiều chủng loại, bao gồm cả các loại kính cho các nhà thiết kế và loại phụ trợ dành cho những người phải đeo kính cận/viễn. Kính 3D thụ động không gây hiện tượng nhấp nháy hình nếu bạn vừa xem TV 3D vừa sử dụng laptop, điện thoại hoặc các màn hình điện tử khác, ngay cả khi bạn đang ngồi trong phòng có nhiều ánh sáng.

Ngược lại, kính 3D chủ động sẽ bị nhấp nháy khi bạn dùng chúng để nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử khác hoặc khi nguồn sáng quá mạnh. Kính 3D chủ động sử dụng pin sạc (thường là qua cổng USB), hoặc sử dụng pin mini.

Kính 3D thụ động
Quan trọng nhất, do kính 3D chủ động liên tục đóng/mở 2 bên mắt kính, một số người dùng sẽ bị hoa mắt, chóng mặt khi xem loại TV này. Do đó, nhìn chung TV 3D thụ động đem lại trải nghiệm dễ chịu hơn TV 3D chủ động.

Chất lượng hình ảnh
Cũng giống như TV thường, chất lượng hình ảnh 3D trên TV 3D phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nhà sản xuất, dòng sản phẩm, đời sản phẩm, chất lượng kính, loại màn hình (LCD LED hoặc plasma) và thậm chí là cả độ lớn màn hình. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng TV 3D thụ động nói chung có một số điểm yếu và điểm mạnh so với TV 3D chủ động.

TV 3D thụ động có hình ảnh 3D sáng hơn so với hình ảnh của 3D chủ động, do cả 2 mắt đều đón nhận ánh sáng cùng lúc. Công nghệ 3D thụ động cũng sẽ ít gây hiện tượng nhiễu crosstalk (hay còn gọi là "ghosting", tức là hình ảnh vẫn bị rời rạc, tạo cảm giác nhiễu ngay cả khi đã đeo kính) hơn công nghệ 3D chủ động.
Tuy vậy, TV 3D thụ động lại hay gặp hiện tượng hình ảnh bị phân mảnh ở các đường cạnh và các đường thẳng. Lý do là trên TV 3D thụ động, độ phân giải cho mỗi mắt đón nhận chỉ là 1920 x 540 pixel (do số đường thẳng trên màn hình sau khi bị kính phân cực sẽ chỉ còn một nửa). Trên các màn hình cỡ nhỏ hoặc khi xem ở khoảng cách xa, hiện tượng này sẽ được giảm thiểu.


Khi xem từ các góc hẹp, TV 3D chủ động cũng tái hiện lại hiệu ứng 3D tốt hơn. Từ các góc nhìn bình thường, TV 3D thụ động cũng tái hiện hiệu ứng 3D khá tốt, song khi di chuyển lên trên, xuống, sang trái hoặc sang phải, hiệu ứng 3D sẽ bị giảm sút trên TV 3D thụ động.

TV 3D thụ động có thể có chất lượng tốt nhất trong tương lai

Chính bởi hiện tượng nhiễu ở các cạnh và đường thẳng bị phân mảnh như trên mà TV 3D thụ động sẽ đem lại trải nghiệm phim ảnh khá khó chịu khi xem ở khoảng cách gần và trên các màn hình lớn. Tuy vậy, trong các căn phòng có nhiều đèn chiếu, TV 3D thụ động có thể mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Sony XBR: 84 inch, độ phân giải 4K và hiệu ứng 3D
TV 3D độ phân giải Ultra HD 4K sẽ tận dụng được tất cả các lợi thế của 3D thụ động và loại bỏ được hiện tượng răng cưa hoặc phân mảnh đường thẳng nhờ có độ phân giải siêu cao của mình. Số lượng TV 3D sử dụng độ phân giải Ultra HD hiện tại vẫn còn khá ít, song chắc chắc sẽ gia tăng trong tương lai.

Nội dung 3D cho TV

Gần như tất cả các tựa phim 3D chiếu rạp đều có phiên bản Blu-ray 3D
Trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 100 đầu đĩa Blu-ray 3D được ra mắt. Gần như tất cả các bộ phim chiếu rạp có sử dụng công nghệ 3D đều được phát hành trên Blu-ray dưới định dạng 3D, từ những bộ phim "bom tấn" như Avatar cho tới những bộ phim chỉ dành cho một số ít các fan "cuồng" như Dredd.
Đi kèm với các tựa phim 3D trên Blu-ray là các phiên bản số tương ứng. Bạn có thể sử dụng đầu HD hoặc máy để bàn/máy vi tính để làm đầu phát các nội dung số định dạng 3D.
Bên cạnh các bộ phim, game cũng là một nguồn nội dung 3D đáng chú ý. Một số tựa game "đỉnh" như Call of Duty: Black Ops 2, Assassin's Creed III, Crysis 3, Gran Turismo 5, MLB 13: The Show, và Uncharted 3 sẽ hỗ trợ chơi 3D trên các nền tảng PC, Xbox360 và PS3. Với thế hệ console mới (Xbox One và PlayStation 4), số lượng game 3D được phát hành chắc chắn sẽ gia tăng! Sức mạnh phần cứng của máy chơi game next-gen sẽ giúp loại bỏ các giới hạn độ phân giải của thế hệ cũ, mang lại trải nghiệm 3D choáng ngợp hơn.

Công nghệ 3D trong Crysis
Ngoài ra, các dịch vụ phát video qua mạng, trong đó tiêu biểu là Netflix, cũng có hỗ trợ định dạng video 3D. Tuy vậy, các dịch vụ này chưa được cung cấp tại Việt Nam, và do đó người dùng trong nước sẽ phải tiếp tục chờ đợi trong tương lai.
Một số nhà sản xuất TV, đáng chú ý nhất là Samsung, LG và Sony, cũng đã cung cấp dịch vụ phát nội dung 3D (mất phí) vào các sản phẩm Smart TV (TV thông minh) của mình. TV 3D của Vizio được cung cấp dịch vụ 3DGo của Sensio với lượng nội dung 3D nhiều hơn đáng kể so với dịch vụ của các nhà sản xuất.

Kết luận

Samsung UN65F9000

Hiện tại, cản trở lớn nhất đối với TV 3D là lượng nội dung (Blu-ray, kênh truyền hình, game…) vẫn còn khá ít ỏi. Tuy vậy, điểm mạnh lớn nhất của TV 3D là chất lượng hình ảnh: Tất cả các mẫu TV cao cấp nhất đều đã được trang bị tính năng 3D, và do đó có thể khẳng định rằng "phân khúc TV cao cấp" đã trở thành "phân khúc TV 3D". Khi mua TV 3D, bạn vẫn sẽ được tận hưởng chất lượng hình ảnh 2D tốt nhất, và cũng sẽ được tận hưởng các bộ phim bom tấn (vốn đang chuyển sang 3D ngày càng nhiều) không khác gì khi ngồi tại rạp chiếu phim.
Do giá của TV 3D không cần kính vẫn còn khá cao, tại thời điểm hiện tại bạn sẽ phải lựa chọn cho mình một công nghệ kính 3D phù hợp: chủ động hoặc thụ động. Trong tương lai, giá của TV sử dụng công nghệ 3D nói chung (cần kính hoặc không cần kính) chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, và khi đó công nghệ vẫn còn khá mới lạ này sẽ sớm thay đổi không gian giải trí tại gia, giống như TV HD đã từng làm cách đây vài năm.
(Nguồn: vnreview.vn)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © Siêu thị điện máy
Hotline: 0989.345.355
Top